Lịch sử Bắc Tống Nhà Tống

Binh biến Trần Kiều

Triệu Khuông Dận

Quân chủ khai quốc của triều Tống là Triệu Khuông Dẫn, Triệu Khuông Dẫn nguyên là "Điện tiền đô điểm kiểm" (tức thống lĩnh cấm quân) của triều Hậu Chu, do có chiến công xuất chúng nên được Hậu Chu Thế Tông tín nhiệm, trở thành thân tín của hoàng đế. Năm Hiển Đức thứ 6 (959), Hậu Chu Thế Tông băng hà, Cung Đế kế vị khi còn nhỏ, Triệu Khuông Dẫn trong lòng có ý muốn thay thế. Tết năm Hiển Đức thứ 7 (960), bè đảng của Triệu Khuông Dẫn tạo tin tình báo giả rằng quân Liêu nam hạ, tể tướng Phạm Chất liền lệnh Triệu Khuông Dẫn xuất quân khỏi kinh thành chống địch. Ngày ba tháng giêng, Triệu Khuông Dẫn đến đóng tại Trần Kiều dịch, tối hôm đó khi Triệu Khuông Dẫn đang ngủ say thì bị tướng sĩ dưới quyền khoác hoàng bào lên người (tức "Hoàng bào gia thân"), hô to "vạn tuế", được lập làm Thiên tử, tức Tống Thái Tổ. Triều thần Hậu Chu khi biết tin thì trong thành đã rỗng không, chỉ có thể thừa nhận hiện thực. Hậu Chu Cung Đế bị buộc phải tốn vị.[tham 1]

Triệu Khuông Dẫn từng giữ chức Quy Đức tiết độ sứ, trú tại Tống châu, trong thời kỳ Xuân Thu thì Tống châu là lãnh địa của nước Tống, do vậy định quốc hiệu là "Tống",[tham 2] định đô tại Khai Phong, cải nguyên Kiến Long.

Năm Kiến Long thứ nhất, Tống Thái Tổ bình định hai cuộc nổi loạn của Lý QuânLý Trọng Tiến. Nghe theo ý kiến của Triệu Phổ, Tống Thái Tổ hai lần tiến hành "bôi tửu thích binh quyền" vào tháng 7 năm Kiến Long thứ 2 (961) và tháng 10 năm Khai Bảo thứ 2 (969), tước đoạt quyền chỉ huy quân sự của các tướng quân nắm giữ trọng binh: Thạch Thủ Tín, Vương Thẩm Cơ, Cao Hoài Đức, La Ngạn Côi và các võ tướng địa phương, giao cho hư chức, chuyển sang dùng quan văn trị quân đội, đồng thời đem toàn bộ đại quyền quân sự và tài chính tập trung vào trung ương. Lưỡng Tống do vậy tránh được cục diện phiên trấn cát cứ như thời Đường. Tuy nhiên, quốc sách này khiến năng lực quân sự địa phương giảm thiểu, khiến triều Tống cuối cùng ở thế yếu trong chiến tranh với bên ngoài[tham 3].

Thống nhất Trung Nguyên

Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa.

Sau khi ổn định vững chắc chính quyền, Tống Thái Tổ bắt đầu kế hoạch diệt trừ tàn dư cát cứ Ngũ Đại Thập Quốc, thống nhất thiên hạ. Sau khi thương thảo với Triệu Phổ, Tống Thái Tổ quyết định tuân theo sách lược 'tiên nam hậu bắc', ban đầu chiếm lấy sáu nước phương nam có kinh tế thịnh vượng để củng cố quốc lực, sau đó chuyển sang Bắc phạt Bắc Hán nguyên được Khiết Đan hỗ trợ. Trước tiên Tống Thái Tổ dùng kế "giả Ngu diệt Quắc" để công diệt Kinh Nam và chính quyền cát cứ Hồ Nam, sau đó lại tiêu diệt ba nước Hậu Thục, Nam Hán, Nam Đường. Tống Thái Tổ một lòng hy vọng khôi phục lãnh thổ phương bắc như thời Đường, thiết lập 'phong thung khố' để trữ tiền tài vải vóc, nhằm sau này chuộc lại Yên Vân thập lục châu bị Thạch Kính Đường trao cho Khiết Đan khi xưa. Tháng tám năm Khai Bảo thứ 9 (976), Tống Thái Tổ một lần nữa tiến hành Bắc phạt, song đến ngày mười chín tháng mười cùng năm thì đột nhiên từ trần. sự nghiệp thống nhất Trung Nguyên tạm thời bị đình chỉ. Em trai Tống Thái Tổ là Triệu Quang Nghĩa kế vị, tức là Tống Thái Tông.[tham 4]

Sau khi ổn định vững chắc đế vị, Tống Thái Tông kế tục sự nghiệp thống nhất. Sau đó, chính quyền cát cứ Thanh Nguyên quân tại miền nam Phúc Kiến, cùng nước Ngô Việt lần lượt quy hàng. Tống Thái Tông khiển đại tướng Phan Mỹ đem quân về phía bắc công kích đô thành Thái Nguyên của Bắc Hán, đánh lui viện binh Liêu, tiêu diệt Bắc Hán, kết thúc cục diện phiên trấn cát cứ kéo dài gần hai trăm năm kể từ cuối thời nhà Đường.[tham 5]

Tháng năm năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 4 (979), Tống Thái Tông bất chấp phản đối của triều thần, thừa thế chiếm được Bắc Hán, từ Thái Nguyên xuất phát triển khai Bắc phạt. Ban đầu, quân Tống từng thu phục được Dịch châuTrác châu tại Hà Bắc. Tống Thái Tông đắc ý, hạ lệnh vây đánh Yên Kinh, quân Tống cùng quân Liêu triển khai kích chiến bên bờ sông Cao Lương[tham 6] Tống Thái Tông ra chiến trường, kiến quả trúng tên bị thương, buộc phải triệt thoái, Bắc phạt không đạt. Bảy năm sau, tức năm Ung Hy thứ 3 (986), Tống Thái Tông khiển năm vị đại tướng là Phan Mỹ, Dương Nghiệp, Điền Trọng Tiến, Tào Bân, Thôi Ngạn phân quân theo ba lộ đông trung tây, lấy đông lộ là chính để tiến hành Bắc phạt. Quân tây lộ và trung lộ tiên quân thuận lợi, song quân Đông lộ chủ lực nhiều lần chiến bại trước quân Liêu, đường tiếp lương bị cắt đứt, cuối cùng không thể tụ hợp với hai lộ trung tây, đại bại tại Kỳ Câu quan mà tan vỡ. Hai lộ trung và tây cũng chỉ có thể rút về nam. Sau đó, triều Tống nhiều lần thất bại trước người Đảng Hạng trong các chiến dịch Tam Xuyên Khẩu, Hảo Thủy Xuyên, Định Xuyên Trại, song do người Đảng Hạng chán chiến tranh nên nghị hòa với Tống. Tháng hai năm Thuần Hóa thứ 4 (993), tại Tứ Xuyên bùng phát khởi nghĩa nông dân dưới quyền Vương Tiểu Ba và Lý Tuân. Quân khởi nghĩa được nông dân ủng hộ, đến tháng 1 năm sau thì chiếm cứ Thành Đô, kiến lập chính quyền Đại Thục. Thái Tông khiển hai lộ đại quân đi thảo phạt, quân khởi nghĩa cuối cùng thất bại triệt để vào năm Chí Đại thứ 2 (996). Nhiều lần thất bại tại phòng tuyến biên thùy, cộng với bùng phát khởi nghĩa tại hậu phương cản trở Bắc Tống thu phục cương thổ, song chính sách của Tống Thái Tông vẫn không đổi là 'trọng nội hư ngoại'.[tham 5]

Bản thân Tống Thái Tông là người phong nhã, yêu thích thơ phú, chính phủ do vậy đặc biệt trọng thị sự nghiệp văn hóa, truyền thống trọng giáo của triều Tống do vậy được khởi đầu. Tống Thái Tông yêu thích thư pháp, giỏi sáu kiểu chữ thảo, lệ, hành, triện, bát phân, phi bạch, đặc biệt giỏi viết kiểu phi bạch, đồng tiền Thuần hóa nguyên bảo của triều Tống là do Tống Thái Tông tự thân đề tả[tham 7]

Sự kiện Tống Thái Tông tức vị hết sức kỳ lạ, là do sự kiện "Chúc ảnh phủ thanh", triều dã tương truyền Quang Nghĩa mưu sát Thái Tổ để đoạt vị, nhằm đảm bảo tính hợp pháp của chính quyền, Tống Thái Tông vứt bỏ lời di mệnh của mẹ là Đỗ thái hậu, tức "Kim quỹ chi minh". "Kim quỹ chi minh" khởi nguyên là lúc Đỗ thái hậu lâm chung có triệu Triệu Phổ nhập cung ghi lại di mệnh, muốn Tống Thái Tổ trước tiên truyền vị cho Quang Nghĩa, sau truyền lại cho Quang Mỹ (sau đổi tên thành Đình Mỹ), rồi truyền cho Đức Chiêu (trưởng tử của Tống Thái Tổ), và Thái Tổ đồng ý. Bức di thư này được cất trong hộp bằng vàng, do vật mà gọi là "Kim quỹ chi minh". Tuy nhiên, Tống Thái Tông liền trước sau bức tử hoàng tử của Thái Tổ là Đức Chiêu và Đức Phương, còn biếm truất Đình Mỹ đến Phòng châu, hai năm sau Đình Mỹ từ trần. Trưởng tử của Tống Thái Tông là Nguyên Tá do đồng tình với Đình Mỹ nên bị phế, hoàng tử Nguyên Hy đột ngột từ trần, cuối cùng một hoàng tử khác là Nguyên Khản được lập làm thái tử, đổi tên là Hằng[tham 8] Năm Chí Đạo thứ 3 (997), Tống Thái Tông băng hà, Lý hoàng hậu và đám hoạn quan Vương Kế Ân trù tính lập Nguyên Tá làm hoàng đế. Đương thời, tể tướng Lã Đoan xử trí thích đáng, Triệu Hằng thuận lợi kế vị, miếu hiệu là Chân Tông. Triều Tống bắt đầu bước vào thời kỳ yên ổn bảo tồn thành quả[tham 9].

Bắc chống Liêu - Hạ

Tống Chân Tông Triệu Hằng

Tống Chân Tông kế tục "Hoàng Lão chính trị, Vô sở tác vi" vào cuối thời Tống Thái Tông. Từ sau Bắc phạt thời niên hiệu Ung Hy, triều Liêu thường tấn công khu vực giao giới Tống-Liêu, đến năm Cảnh Đức thứ 1 (1004) cuối cùng diễn biến thành chiến tranh xâm chiếm đại quy mô.[tham 10] Tể tướng Khấu Chuẩn cực lực chủ trương kháng chiến, kết quả Tống Chân Tông thân chinh, sĩ khí quân Tống phấn chấn cao độ, giao chiến ác liệt với quân Liêu dưới thành Thiền châu, quân Liêu cầu hòa. Trải qua nhiều lần giao thiệp, hai triều đại nghị hòa thành công. Nội dung chủ yếu của hòa ước là: Mỗi năm Tống trao cho Liêu 20 vạn xấp lụa, mười vạn lượng bạc, hai bên là quốc gia huynh đệ, sử gọi hòa ước này là "Thiền Uyên chi minh". Qua các thời đại, quan điểm phê bình hòa ước là chủ đạo, nhận định mục đích chiến lược là thu hồi Yên Vân thập lục châu chưa đạt được, bên thắng lợi quân sự hàng năm phải dùng một lượng của cải lớn để đổi lấy hòa bình, là điều sỉ nhục. Những quan điểm đồng tình thì nhận định bản thân việc đánh lui quân Liêu nam xâm đã là thắng lợi, thời Tống kinh thế phát đạt, gánh nặng theo hòa ước không quá lớn, khó có thể nói là điều ước ép buộc.[tham 11].

Sau đó, Khẩu Chuẩn dần dần thất sủng, cuối cùng bị bãi chức tể tướng. Tống Chân Tông bắt đầu tin dùng nịnh thần Vương Khâm Nhược. Vương Khâm Nhược thường đón trước ý của Tống Chân Tông, biết rõ Tống Chân Tông hy vọng thiên hạ xuất hiện một cảnh tượng cát tường an lạc, do vậy cùng tể tướng Vương Đán liên thủ, chế tạo tượng "tường thụy" tại các địa phương, cực lực cổ xúy Tống Chân Tông phong thiền, rất trúng ý Chân Tông. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 1 (1008), Tống Chân Tông lần lượt ba lần phong thiền trong một năm, làm tổn hạo nghiêm trọng dân lực[tham 12] Tống Chân Tông và Lưu hoàng hậu không có hoàng tử, Tống Chân Tông tình cờ một lần lâm hạnh thị nữ Lý thị của Lưu hoàng hậu, kết quả Lý thị vào năm Đại Trung Tường Phù thứ 3 (1010) sinh được một con trai tên là Triệu Thụ Ích. Sau đó, Lưu hoàng hậu và Dương Thục phi cùng nuôi dưỡng hài tử này. Trung thu năm Thiên Hi thứ 2 (1018), Tống Chân Tông chính thức phong Triệu Thụ Ích là Thái tử, đổi tên thành Triệu Trinh. Năm Càn Hưng thứ 1 (1022), Tống Chân Tông băng hà. Thái tử Triệu Trinh kế vị, Lưu hoàng hậu được tôn là Hoàng thái hậu và tạm thời quản lý đại sự quốc gia cho đến khi Tống Nhân Tông Triệu Trinh thành niên. Từ đây bắt đầu thời đại 11 năm Lưu Thái hậu "thùy liêm thính chính" (buông rèm nghe quốc sự).[tham 13] Giai đoạn đầu chấp chính, Tống Nhân Tông vẫn nằm dưới bóng của Lưu thị, đến khi Lưu thị từ trần thì Tống Nhân Tông mới thi hành lý tưởng của mình[tham 14].

Lý Nguyên Hạo xưng đế vào năm Đại Khánh thứ 3 (1038), lập quốc Tây Hạ, sau đó giữa Tống và Hạ bùng phát chiến tranh liên tục nhiều năm, quân Tống nhiều lần chiến bại. Chiến tranh Tống-Hạ chủ yếu trải qua năm thời kỳ, tức thời kỳ Tống Nhân Tông-Hạ Cảnh Tông, thời kỳ Tống Anh Tông-Hạ Nghị Tông, thời kỳ Tống Thần Tông-Hạ Huệ Tông, thời kỳ Tống Triết Tông-Hạ Sùng Tông, thời kỳ Tống Huy Tông-Hạ Sùng Tông. Việc quân Tống bất lợi trong chiến tranh Tống-Hạ khiến triều Liêu thừa cơ tăng áp lực, dẫn đến phát sinh "Trọng Hy tăng tệ".[tham 15] Sau khi gặp bất lợi trong chiến tranh với Tây Hạ, Tống Nhân Tông bãi miễn tể tướng Lã Di Giản, nhiệm dụng các danh thần Phạm Trọng Yêm, Phú Bật, Hàn Kì thi hành "Khánh Lịch tân chính", thu được hiệu quả tốt; nhiệm dụng Bao Chửng quản lý kinh thành và ngự sử đài. Trên biên cương, triều Tống bình định cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao ở phía nam và sự khiêu khích gây hấn của Tây Hạ. Bắc Tống tiến vào giai đoạn phồn vinh nhất kể từ khi lập quốc. Tuy nhiên, một vài nhân vật thuộc phái thủ cựu gọi những quan lại thuộc phái cải cách kéo bè kết cánh, bợ đỡ lẫn nhau, là bằng đảng. Tống Nhân Tông vẫn luôn chán ghét triều thần kết đảng mưu cầu tư lợi, những quan viên tân chính sau này có nhiều người bị biếm làm quan địa phương, "Khánh Lịch tân chính" ngắn ngủi đến đây kết thúc[tham 16].

Sau khi Tống Nhân Tông từ trần vào đầu năm 1063, Triệu Thự kế vị, tức Tống Anh Tông. Anh Tông là cháu nội của Thương vương Triệu Nguyên Phần-em trai Tống Chân Tông. Năm Gia Hựu thứ 7 (1062), Triệu Thự được lập làm hoàng thái tử. Tống Anh Tông nhiều bệnh tật, triều chính ban đầu do Tào thái hậu quản lý, từ tháng 5 năm Trị Bình thứ 1 (1064) thì Tống Anh Tông mới bắt đầu thân chính. Anh Tông thân chính gần nửa tháng thì lại bùng phát "Bộc nghị", tranh luận đến 18 tháng. Sự kiện là do tể tướng Hàn Kỳ đề thỉnh thảo luận vấn đề danh phận của sinh phụ của Tống Anh Tông, trong triều do vậy phân thành hai phái, một phái nhận định cần phải gọi sinh phụ của Tống Anh Tông là "hoàng bá", phái kia nhận định nên gọi là "hoàng khảo". Cuối cùng, Tào thái hậu hạ chỉ gọi là "hoàng khảo" mới làm ngưng được tranh luận này. Về tổng thể, Tống Anh Tông là một vị quân chủ có thành tích, ông kế tục nhiệm dụng triều thần có năng lực của tiền triều, cũng mạnh dạn tìm kiếm người mới. Tống Anh Tống hết sức trọng thị biên soạn thư tịch, việc soạn bộ sử nổi tiếng "Tư trị thông giám" cũng là do Tống Anh Tông phát động[tham 17]

Biến pháp và Đảng tranh

Sau khi Tống Anh Tông mất vào năm 1067, trưởng tử là Triệu Húc kế vị, tức Tống Thần Tông. Trong thời gian Tống Thần Tông tại vị, chế độ được chế định vào đầu thời Tống đã sản sinh nhiều tệ nạn, dân sinh xuất hiện thụt lùi, còn có nguy cơ từ Liêu và Tây Hạ. Do vậy, Tống Thần Tông kiên định ý chí cải cách. Tống Thần Tông bắt đầu sử dụng đại thần trứ danh thuộc phái cải cách là Vương An Thạch thi hành tân pháp, bổ nhiệm làm 'tham tri chính sự'. Tân pháp mà Vương An Thạch thi hành bao gồm "quân thâu", "thanh miêu", "miễn dịch", "thị dịch", "bảo giáp", "bảo mã", "phương điền quân thuế".. Tuy nhiên, việc thực hành tân pháp gặp phải trở ngại mãnh liệt của phái bảo thủ do Tư Mã Quang lãnh đạo. Cộng thêm thiên tai không ngừng, quyết tâm thực hành tân pháp của Tống Thần Tông có dao động[tham 18] Năm Hi Ninh thứ 7 (1074), phương bắc gặp hạn hán nghiêm trọng, quan viên Trịnh Hiệp trình lên Tống Thần Tông một tranh về lưu dân, cảnh tượng trong tranh rất bi thương, Tống Thần Tông bị tác động mạnh về tâm lý. Ngày hôm sau, Tống Thần Tông liền hạ lệnh bãi 18 khoản trong tân pháp như "thanh miêu", "phương điền", "miễn dịch". Mặc dù những pháp lệnh này được khôi phục không lâu sau đó, song giữa Tống Thần Tông và Vương An Thành bắt đầu không tín nhiệm nhau. Tháng tư năm Hi Ninh thứ 7, Vương An Thạch lần đầu tiên bị bãi chức tể tướng, đi cai quản Giang Ninh phủ. Sau đó, quan viên trong phái biến pháp là Lã Huệ Khanh tự ý làm bậy, Vương An Thạch do vậy được phục chức hồi kinh, song vẫn gặp trở ngại mãnh liệt từ phái bảo thủ. Tháng sáu năm Hi Ninh thứ 9 (1076), trưởng tử của Vương An Thạch từ trần, Vương An Thạch nhân việc này kiên quyết cầu thoái, Tống Thần Tông vào tháng mười lại bãi chức vị tể tướng của ông, về sau Vương An Thạch không luận chính sự[tham 19]

Vương An Thạch.

Hậu nhân có nhìn nhận khác nhau nhiều về "Hi Ninh tân pháp", song dù sao hiệu quả của việc thi hành tân pháp không như kỳ vọng. Mặc dù việc thi hành tân pháp làm tăng đáng kể thu nhập tài chính quốc gia và diện tích canh tác, song lại gia tăng nghiêm trọng gánh nặng của bình dân. Trên phương diện quân sự, cải cách của Hi Ninh tân pháp dừng tại giải quyết phần ngọn, lực chiến đấu của quân đội không được cải thiện rõ ràng. Cộng thêm quan niệm của Vương An Thạch mới lạ, cần thời gian rất dài mới có thể thi hành toàn diện hơn 10 hạng mục cải cách, khiến biến pháp rơi vào khốn cảnh muốn đẩy nhanh song không đạt[tham 20] Thời kỳ sau thi hành tân pháp, độ lệch giữa pháp lệnh và chấp hành ngày càng lớn, một số biện pháp từ làm lợi cho dân biến thành nhiễu dân. Trong quá trình chấp hành tân pháp, việc dùng người không thích hợp còn là nguyên nhân sau cùng làm mất lòng dân, thành viên phái biến pháp như Lã Khanh, Tăng Bố, Lý Định và Sái Kinh đều là người có phẩm cách và cá tính chịu nhiều tranh nghị, bị cho là tiểu nhân. Hoàng Nhân Vũ (1918-2000) từng bình luận về cải cách này: "Trước thời chúng ta chín trăm năm, Trung Quốc đã có trù tính sử dụng biện pháp quản chế tài chính nhằm thao túng quốc sự, phạm vi và bề sâu chưa từng được đề xuất tại các khu vực khác trên thế giới."[tham 21]

Sau khi Vương An Thạch bị bãi chức, Tống Thần Tông kế tục sự nghiệp cải cách, hiệu là "Nguyên Phong cải chế". "Nguyên Phong cải chế" dù cùng với "Hi Ninh biến pháp" được gọi chung là "Hi Phong tân pháp", song cường độ thì không sánh được với "Hi Ninh biến pháp". Sau cải chế, quốc lực dần mạnh lên, Tống Thần Tông đưa trọng điểm chuyển dịch sang đối ngoại, quyết tâm tiêu diệt Tây Hạ. Tháng năm năm Hi Ninh thứ 5 (1072), Tống Thần Tông bắt đầu tây chinh, giành được đại thắng, lòng tin của Thần Tông được cổ vũ rất nhiều. Chín năm sau, vào tháng 4 năm Nguyên Phong thứ 4 (1081), Tây Hạ phát sinh chính biến, Tống Thần Tông nhân cơ hội này tiến hành tái chinh phạt Tây Hạ, không ngờ lại thảm bại, Tống Thần Tông do vậy mắc bệnh không khỏi được. Tháng một năm Nguyên Phong thứ 8 (1085), Tống Thần Tông lập lục tử Triệu Dung (sau đổi thành Hú) làm thái tử. Mặc dù tân pháp do Tống Thần Tông ban bố tạm thời bị mẫu hậu là Cao thái hậu phế, song không lâu sau lại dần dần được khôi phục, trong đó không ít biện pháp vẫn duy trì đến thời kỳ Nam Tống[tham 22] Sau khi Tống Thần Tông băng hà, Cao thái hậu "thùy liêm thính chính", kiềm chế nghiêm khắc Tống Triết Tông Triệu Hú mới kế vị. Cao thái hậu tin dùng phái bảo thủ do Tư Mã Quang lãnh đạo, thờ ơ với Tống Triết Tông, kết quả dẫn đến phát sinh đối kháng nghiêm trọng giữa hai phe tân và cựu, đó là "Nguyên Hựu đảng tranh". Sau khi Tống Triết Tông thân chính, ông giáng chức thành viên cựu đảng, tin dùng tân đảng, sự nghiệp biến pháp do vậy có thể kế tục[tham 23].

Từ năm 1075-1077 đã xảy ra chiến tranh giữa nhà Tống với vương quốc Đại Việt của nhà Lý. Giai đoạn đầu, tướng nhà Lý là Lý Thường Kiệt đã chủ động đánh sang đất Tống trong chiến dịch 1075-1076. Trong cả ba trận đánh với quân Lý trên lãnh thổ Trung Quốc tại Khâm Châu, Liêm Châu và Ung Châu, quân Tống đều đại bại (Lý Thường Kiệt còn ra lệnh tàn sát hơn 5 vạn dân trong thành Ung Châu). Trong giai đoạn hai của cuộc chiến, quân Lý rút về phòng thủ chống lại cuộc nam tiến của đại quân Tống trong năm 1076-1077 và cuối cùng đẩy lui được quân Tống ra khỏi lãnh thổ Đại Việt.

Sự biến Tĩnh Khang

Bài chi tiết: Sự biến Tĩnh Khang
Tống Huy Tông là một nhà nghệ thuật tài hoa, song cũng là quân chủ vong quốc.

Tống Triết Tông không có con trai kế tập, sau khi từ trần vào năm 1100 thì em là Triệu Cát kế vị, tức là Tống Huy Tông. Tống Huy Tông từ nhỏ đã yêu thích những việc bút mực, hội họa, cưỡi ngựa, thích hưởng lạc, không hứng thú với triều chính. Tống Huy Tông sinh hoạt xa xỉ mê say, ưa vào thanh lâu, tin lời đạo sĩ mà cho xây nhiều công trình kiến trúc, tại góc đông bắc của Khai Phong cho tạo Vạn Tuế Sơn, sau đổi thành Cấn Nhạc, chu vi hơn mười dặm, trong đó có Phù Dung trì, Từ khê, đình đài lầu các, có đủ loại chim thú. Tại khu vực Tô-Hàng của Lưỡng Chiết lộ, Tống Huy Tông cho lập Ứng phụng cục và Tạo tác cục, chuyên sưu tập kỳ hoa dị thạch tại phương nam, thổi bùng sự phẫn nộ của dân chúng, gây nên dân biến.[tham 24] Năm Trọng Hòa thứ 1 (1118), Hoàng Hà gây lụt, bốn lộ Hà Bắc, Kinh Đông chịu thủy tai, lưu dân mất nhà cửa, không thể mưu sinh, tại Hoài Nam Tống Giang phát động dân biến, quân khởi nghĩa từng chiếm cứ một số huyện Kinh Đông, Hoài Nam, Hà Bắc. Hai năm sau, tức năm Tuyên Hòa thứ 2 (1120), 36 thủ lĩnh khởi nghĩa bao gồm Tống Giang tiếp nhận chiêu an của triều đình, khởi nghĩa kết thúc. Ngày chín tháng mười cùng năm (1 tháng 11), Phương Lạp khởi nghĩa tại Thanh Khê (nay thuộc tây bắc Thuần An, Chiết Giang), nông dân các địa phương nghe tin thì hưởng ứng, không lâu sau phát triển đến vạn người. Tháng một năm sau, Tống Huy Tông phái Đồng Quán nam hạ chinh thảo, nhiều lần đánh bại nghĩa quân, cuối cùng bắt sống Phương Lạp trong tháng bảy.[tham 25]

Tống Huy Tông ít quản triều chính, chính vụ đều giao cho nhóm triều thần mà đứng đầu là Sái Kinh, họ bị gọi là "Lục tặc". Sái Kinh lấy danh nghĩa khôi phục tân pháp để áp chế phái khác, bài xích những người bất đồng. Sau khi Sái Kinh nắm quyền, ông ta tiến hành "Nguyên Hựu gian đảng án", các đại thần chính trị bị đưa ra khỏi vị trí chính trị trung tâm. Bản thân Tống Huy tham đại công, sau khi thấy triều Liêu bị triều Kim tiến công thì vào mùa xuân năm Trọng Hòa thứ 1 (1116), ông phái khiển sứ tiết Mã Chính từ Đăng châu vượt biển đến Kim. Hai bên thương nghị cùng tiến công Liêu, Tống phụ trách tiến công Nam Kinh và Tây Kinh của Liêu; sau khi diệt Liêu thì đất Yên Vân sẽ trao cho Tống; của cải mà Tống từng trao cho Liêu hàng năm trước đây chuyển sang trao cho Kim, tức là Hải thượng chi minh. Tuy nhiên, sau đó quân Kim thừa thắng đem nhân khẩu Yên Kinh về bắc, đồng thời cướp bóc ba châu Doanh, Bình, Loan. Năm Tuyên Hòa thứ 7 (1125), quân Kim phân thành hai lộ đông và tây nam hạ công Tống. Tống Huy Tông kinh sợ, sau đó theo kiến nghị của Lý Cương mà truyền vị cho con là Khâm Tông Triệu Hoàn. Tống Khâm Tông miễn cưỡng bước lên hoàng vị, thiếu quyết đoán chiến hay hòa, trong tình hình không còn cách nào bèn để Lý Cương bảo vệ Đông Kinh, Lý Cương tạm thời ngăn chặn quân Kim.

Năm Tĩnh Khang thứ 1 (1126), quân Kim nam hạ lần thứ hai, phân binh thành hai lộ tiến thẳng đến Khai Phong, thành Khai Phong bị quân Kim vây khốn. trong thành dịch bệnh lan truyền, không ít người chết đói và chết bệnh. Ngày Bính Thìn tháng 11 nhuận (9 tháng 1 năm 1127), Hoàn Nhan Tông Vọng, Hoàn Nhan Tông Hàn cùng chư tướng phá thành, bắt được Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông và phần lớn hoàng thất. Một số hoàng tử và công chúa bị giết, nhiều thê thiếp, công chúa và quận chúa của nhà Tống bị quân Kim chiếm đoạt và cưỡng hiếp.

Ngày sáu tháng 2 năm Tĩnh Khang thứ 2 (20 tháng 3 năm 1127), quân Kim bắt các phi tần, công chúa, quý thích cùng tông phụ, tộc phụ, ca nữ tổng cộng vài nghìn người lên phía bắc. Đến kinh đô nước Kim vào 21 tháng 8 năm 1128, 2 vua Tống phải mặc áo xô gai vào lạy ở miếu Kim Thái Tổ Hoàn Nhan A Cốt Đả rồi bị giải vào triều, bị vua Kim làm nhục. Các thê thiếp, công chúa của 2 vua cũng bị làm nhục, phải mặc áo lông cừu để lộ phần trên cơ thể rồi vào vái lạy ở miếu Kim Thái Tổ. Nhân Hoài hoàng hậu (chính cung của Tống Khâm Tông) không chịu nhục đã lao mình xuống nước tự vẫn. Kim Thái Tông phong Huy Tông làm "Hôn Đức công", Khâm Tông là "Trọng Hôn hầu" với ý miệt thị, sau đó dời hai cha con đến Hàn châu ngày 26 tháng 10 năm đó. Tháng 7 năm 1130, Hôn Đức công bị đưa đến thành Ngũ Quốc (Nay thuộc huyện Y Lan, tỉnh Bắc Long Giang, Trung Quốc)[tham 26], lúc này chỉ còn khoảng 140 người tùy tùng được đi theo. Cả hai vua Tống sau đó đều từ trần trên lãnh thổ Kim trong cảnh bị giam cầm.

Để tăng thêm sự sỉ nhục, khoảng 300 thê thiếp hoặc công chúa, quận chúa nhà Tống bị nhà Kim bắt đến Tẩy Y viện (洗衣院) làm tạp dịch, nhiều người trong số đó còn bị bắt làm kỹ nữ phục vụ cho quý tộc, tướng lĩnh nhà Kim hoặc bị quý tộc nhà Kim nạp làm thê thiếp, thậm chí bị đem ban thưởng như chiến lợi phẩm (Tháng giêng năm Thiên Hội thứ 6 (1128), khi sứ giả Nam Tống Vương Luân đến Vân Trung, tể tướng Kim là Hoàn Nhan Tông Hàn đem 1 người đàn bà và 1 người con gái trong tông thất nhà Tống tặng cho ông ta; lại đem 1 người con gái tông thất tặng cho sứ giả đi theo là Chu Tích. Vì Chu Tích không nhận nên bị xử tử).

Sự biến Tĩnh Khang là mối hận to lớn chưa từng thấy đối triều đình và thần dân nhà Tống, và cũng là nỗi nhục hiếm thấy đối với 1 triều đại trong lịch sử Trung Quốc.

Sau khi tiêu diệt Bắc Tống, Kim trước sau hỗ trợ Trương Bang Xương, Lưu Dự kiến lập hai chính quyền bù nhìn "Đại Sở" và "Đại Tề".[tham 27], nhưng đều không duy trì được lâu vì quan lại, dân chúng Tống vẫn căm hận, muốn tái lập nhà Tống.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhà Tống http://www.confucianism.com.cn/html/wenxue/1348450... http://www.cenet.org.cn/cn/CEAC/2005in/jjs008.doc http://www.art-and-archaeology.com/timelines/china... http://books.google.com/books?id=BxH0PqdGTVUC&pg=R... http://www.lunwentianxia.com/product.free.4452120.... http://www.xabusiness.com/china-resources/song-lia... http://www.artsmia.org/art-of-asia/history/dynasty... http://www.bcps.org/offices/lis/models/chinahist/s... http://www.chinaheritagequarterly.org/features.php... //dx.doi.org/10.1163%2F156852001753731033